Chúng ta đã biết đến một số thay đổi trong lối sống của thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay như: Trào lưu tội phạm thứ 4, rủ nhau tự tử trên internet, chọn cách sống đọc thân… Tuy nhiên những thay đổi còn lan sang cả ở những lứa tuổi trung niên và người già. Hiện có hai xu thế đáng lưu ý trong xã hội Nhật hiện đại là sự gia tăng các vụ ly hôn và sự lựa chọn sống tuổi hưu ở nước ngoài.
Số vụ ly hôn ở Nhật Bản tăng đến mức kỷ lục
“Phụ nữ ở đất nước này từng nghĩ rằng họ phải nhẫn nhịn tất cả để duy trì hôn nhân”, Yoriko Madoka, chuyên gia tư vấn phụ trách một đường dây nóng về ly hôn, nhận xét. “Tư duy đó giờ đây đã lỗi thời”.
Theo thống kê vừa công bố hôm qua, tỷ lệ ly hôn ở Nhật đã liên tục tăng trong 12 năm liền. Năm ngoái, có gần 300.000 cặp đưa nhau ra toà, tăng 1,4% so 2001. Tính ra cứ 1.000 người Nhật thì có 2,3 người không còn hôn nhân với vợ/chồng cũ. Điều đáng chú ý là số các đôi vợ chồng ở tuổi trung và cao niên chia tay nhau ngày càng nhiều, phản ánh một thực tế là những định kiến tiêu cực đối với chuyện ly hôn ngày càng mờ dần.
Ly dị từng có thời bị coi là điều cấm kỵ trong dư luận Nhật Bản, vốn chuộng hoà khí. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của các hệ thống giá trị, phụ nữ xứ hoa anh đào ngày càng khó chấp nhận những hy sinh mà các thế hệ đi trước cho là phải chịu đựng trong một xã hội do đàn ông làm chủ.
Cùng với tự do mà ly hôn mang lại, nhiều người phụ nữ cũng phải đối măt với khó khăn kinh tế khi họ mất nguồn chu cấp mà không kiếm được việc làm.
Theo bà Madoka, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều cặp vợ chồng già dắt nhau ra toà là do người chồng nghỉ hưu suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Nam giới Nhật Bản ở độ tuổi bắt đầu nghỉ hưu vốn thường chúi mũi vào công việc và bù khú tiệc tùng cùng đồng nghiệp, ít khi chia sẻ cuộc sống gia đình với vợ. Đến khi họ nghỉ hưu và ở nhà thì căng thẳng cũng xuất hiện trong mối quan hệ cùng bạn đời.
Hiện Nhật Bản phải đối mặt với các vấn đề về nhân chủng và xã hội. Lớp người hưu trí ngày càng tăng, dân số già đi khiến sức lao động giảm. Trong khi đó, nhiều nữ thanh niên Phù Tang đang có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân, mặc cho các bậc cha mẹ mỏi mòn mong có cháu bế. Dự báo đến năm 2050, hơn 36% dân đất nước mặt trời mọc sẽ là người về hưu.
Người Nhật thích hưởng tuổi già ở các nước Đông Nam Á
Ngày càng có nhiều người Nhật Bản về hưu thích chuyển đến sống ở các nước Đông Nam Á như Mal aysia, Thái Lan hay Indonesia, nơi họ cho rằng mình có thể hưởng thụ một cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với cuộc sống ở quê hương với đồng lương hưu 115.000 yên/tháng. Với số tiền như vậy ở Nhật Bản, họ chỉ có thể chi tiêu cho một cuộc sống hạn hẹp.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng những người tham dự các hội nghị chuyên đề cung cấp thông tin về cuộc sống của những người nước ngoài cho biết xu hướng này ngày càng gia tăng ở Nhật Bản. Ông M. Yamada, giám đốc tiếp thị công ty Long Stay Foundation chuyên tổ chức những cuộc hội thảo nhằm tăng cường ý thức về tình trạng này, cũng công nhận rõ ràng những người hưu trí Nhật Bản ngày càng quan tâm đến cuộc sống nghỉ hưu ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á.
Kết quả điều tra mới nhất do Long Stay Foundation tiến hành cho thấy khoảng 20% người về hưu Nhật Bản muốn sống vài năm ở nước ngoài hiện có khoảng 35% người cao tuổi Nhật Bản phải sống hoàn toàn dựa vào đồng lương hưu của mình. Rất có thể mức lương hưu ở Nhật Bản sẽ giảm trong vài năm nữa và đây là một trong những lý do khiến con số ngày càng tăng người về hưu Nhật Bản muốn tìm một cuộc sống đầy đủ hơn ở một nước đang phát triển với đồng lương hưu của mình.
Mặc dù các công ty môi giới thường khuyên các khách hàng nên xem xét cẩn thận trước khi quyết định thay đổi môi trường sống và không nên bị chi phối bởi mức giả cả thấp hay lãi suất ngân hàng cao ở môi trường mới, tuy nhiên, nhiều công ty du lịch rất nhanh nhậy không muốn bỏ lỡ thời cơ kinh doanh trong lĩnh vực này. Họ đã nhanh chóng góp phần khuyến khích mong muốn sống cuộc sống ở nước ngoài cho người Nhật. Các công ty này tổ chức các chuyến thực tế cho các ”thượng đế” tận măt chứng kiến tận mắt cuộc sống ở những nơi như Penang hay Chiang Mai ở Thái Lan. Trong những chuyến đi này, du khách thậm chí có thể đến thăm những người Nhật Bản đang sống ở đây để nghe nói về cuộc sống mà họ đang lựa chọn. Hầu hết họ là những người về hưu, những người mà mọi ngày của họ đều là chủ nhật. Nếu muốn làm một cuộc thí nghiệm trước khi đưa ra quyết định an cư lạc nghiệp lâu dài, những du khách có thể đến Indonesia, Mal aysia, Philippine và Thái Lan. Chính phủ những nước này đang nỗ lực thu hút những người về hưu bằng cách cho lưu hành ”thị thực hưu trí” dài kỳ cho bất kỳ ai có thể đưa ra bằng chứng về số tiền tiết kiệm trong ngân hàng hay thu nhập từ lương hưu.
Quan niệm khuyến khích người về hưu Nhật Bản sống ở nước ngoài bắt nguồn từ một kế hoạch mà Bộ Thương mại nước này thai nghén từ năm 1986. Kế hoạch này đã thất bại sau khi có những lời chỉ trích cho rằng Nhật Bản đang cố “xuất khẩu” những người già đến các nước khác. Xu hướng này lại xuất hiện trở lại khi chính những người Nhật mong muốn có cuộc sống ở nước khác, vì đó là cơ hội để họ học thêm ngoại ngữ và tiếp cận với một nền văn hoá khác.
Nguồn:
www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Cuoc-song-do-day
www.quandoinhandan.org.vn/