hoc-bong-nhat-satori.vn

Thông tin học bổng cho du học sinh tại Nhật Bản

Nếu bạn có quan tâm tới chủ đề học bổng, xin chúc mừng bạn đã đặt được một chân vào con đường tìm kiếm nguồn trang trải chi phí rất hữu ích này. Các học bổng thì có nhiều loại từ nhiều đến ít nên nếu nắm được thông tin mà bạn có thể đạt được những cái nhỏ như 3 – 4man/tháng là sơ sơ cũng đỡ được tiền thuê nhà hàng tháng rồi! Bài viết nhỏ này xin giới thiệu sơ lược về hệ thống các học bổng dành cho du học sinh tại Nhật.

I – Học bổng trước khi sang Nhật.

Với các bạn sinh viên năm 1 năm 2 ở VN hàng năm có cơ hội đăng ký và thi các học bổng lớn như Học bổng nhà nước 322, Học bổng chính phủ Nhật (Monbukagakusho), Học bổng ngân hàng phát triển châu Á (ADS),.. Các học bổng này có đặc điểm là mức tiền HB cao, thời gian học tiếng Nhật ngắn (thậm chí không cần), nhưng tuyển chọn khá gắt gao, với bậc thạc sĩ lại chủ yếu chỉ dành cho nhân viên, giáo viên khối nhà nước.

Nếu các bạn không phải diện này thì hãy tìm hiểu thêm những thông tin sau:

II – Học bổng sau khi sang Nhật.

Cái mà chúng ta, các du học sinh tự túc sang Nhật ban đầu để học tiếng Nhật, cần quan tâm nhất chính là cái này. Sau khi học tiếng Nhật ở trường tiếng, chúng ta sẽ thi vào ĐH (hoặc cao học), và khi đã đỗ rồi, chúng ta sẽ bắt đầu săn học bổng với tư cách là Lưu học sinh đang sống tại Nhật (在日留学生). Các bạn nhớ nhé, phải thi đỗ vào một trường ĐH nào đấy rồi thì việc tìm HB mới tiến hành được. (Tuy nhiên là phải bắt đầu ngay sau đó, vì thường tâm lý xả hơi xuất hiện sau khi thi đỗ, lúc xả xong rồi thì cơ hội bay hết từ lâu rồi cũng nên). Trước khi đi vào phân loại chi tiết các học bổng, có một vài lưu ý nhỏ sau. Đây cũng chính là các ĐẶC ĐIỂM CỦA HỌC BỔNG TẠI NHẬT BẢN so với các quốc gia khác:

– Đa phần các học bổng là dành cho bậc đại học (学部生) và cao học (修士課程・博士前期課程 hoặc 博士後期課程), và học bổng cho cao học thường nhiều hơn và mức cao hơn so với học bổng cho bậc đại học. Sinh viên các trường cao đẳng (専門・高専) đôi khi cũng được xét nhưng hầu như không nhiều. Các khóa học tiền cao học (研究性 hoặc 科目等履修生) cũng tương tự như vậy, không phải là không có nhưng rất ít các HB hỗ trợ bậc học không chính thức này.

– Đa phần các học bổng CH là dành cho sinh viên mới nhập học (新入生) hay hiểu nôm na là sinh viên sẽ bước vào năm thứ nhất khi thời hạn cấp học bổng bắt đầu. Các sinh viên sắp bước vào năm thứ 2 sẽ khó tìm học bổng hơn một chút vì nhiều học bổng không xét đối tượng này. Tuy nhiên, với học bổng ĐH lại hay có trường hợp một số học bổng giới hạn thời gian cấp học bổng (ví dụ 2 năm) nên họ lại ưu tiên các sinh viên nào có thời gian cho tới khi tốt nghiệp đúng bằng khoảng thời gian nhận học bổng đó (ví dụ sinh viên năm 3 nhận HB cho 2 năm thứ 3 và thứ 4). Thêm nữa, với sinh viên ĐH thì kết quả học năm 1, 2 sẽ là cơ sở để đánh giá.

– Đa phần các học bổng nêu ở đây là học bổng dành riêng cho lưu học sinh, tức không mang quốc tịch Nhật. Có một vài trường hợp cá biệt xét lẫn lộn chung cả sinh viên Nhật và lưu học sinh thì sẽ được ghi rõ, nhưng nhìn chung không nhiều, và những HB như vậy thường khó đạt được.

– Đa phần các học bổng đều không cho phép bạn cùng lúc nhận nhiều học bổng khác nhau, trừ một số loại học bổng nhỏ. Kể cả khi được phép thì khả năng nhận trùng cũng không nhiều vì người ta thường xét ưu tiên những ai đang có khó khăn về kinh tế (mà những người đã nhận HB rồi, dù là ít, cũng sẽ ít được ưu tiên hơn)

– Đa phần các học bổng thực sự mang ý nghĩa “học bổng” (không phải là “cho vay học tập”), tức không yêu cầu phải hoàn trả lại sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên không phải là tất cả. Một số ít các HB cá biệt chỉ cung cấp theo dạng “cho vay không lãi suất” và bạn phải hoàn trả số tiền đó trong một khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp.

– Đa phần các học bổng có thời hạn cấp là 2 năm, hoặc rộng rãi hơn là “cho tới khi tốt nghiệp”. Nhưng các học bổng chỉ cấp 1 năm cũng không phải là ít. Điều đáng mừng là với các học bổng này, nếu sau 1 năm mà bạn duy trì được thành tích tốt thì có thể nộp đơn xin gia hạn thêm. Nếu bạn có thấy HB ghi là thời hạn chỉ 1 năm thì cũng đừng từ bỏ, nó vẫn rất hấp dẫn đấy!

– Thường thì sinh viên khi nhận học bổng sẽ phải thực hiện một số nghĩa vụ gì đó trong quá trình học. Việc đảm bảo tỉ lệ đi học, thành tích tốt, … là điều đương nhiên. Ngoài ra, bạn sẽ phải báo cáo tình hình học tập / nghiên cứu định kỳ, hay tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, kiến học mà Quỹ HB tổ chức. Các hoạt động này thường ít gây cản trở mà thực ra lại giúp chúng ta có những trải nghiệm rất tuyệt.

Bây giờ, chúng ta cùng đi vào việc phân loại các học bổng:

A- Học bổng ở địa phương (地方自治体奨学金)

Các tổ chức chính quyền ở tỉnh bạn sống (khi theo học ĐH), hoặc nếu là Tokyo thì ở Khu bạn sống, thường có một vài học bổng nhỏ khuyến khích dành cho sinh viên học sinh ở vùng của mình.

Ngoài ra các doanh nghiệp trong vùng cũng tích cực cung cấp một số học bổng nhỏ cho sinh viên các trường trong vùng

Để tìm kiếm các học bổng này bạn có thể search Google theo tên của vùng mình sống, tìm qua trang web của các trường lớn trong vùng (đặc biệt là trường bạn sẽ theo học), ví dụ Trang web của ĐH Hokkaido (北海道大学) http://www.isc.hokudai.ac.jp/www_ISC/cms/cgi-bin/index.pl?page=contents&view_category_lang=1&view_category=10247&allmenuopen

B- Học bổng tuyển sinh rộng rãi
Nói là tuyển sinh rộng rãi nhưng tùy trường hợp mà các học bổng có sự hạn chế khác nhau, chủ yếu là hạn chế theo trường (các HB hạn chế cho riêng Tokyo mình vẫn xếp vào đây bởi Tokyo rất rộng và gồm nhiều trường ĐH) và hạn chế theo khoa (chỉ một số ngành nhất định mới được nộp đơn). Nói chung thì bạn càng ở trường “xịn” thì số các học bổng bạn có thể apply càng nhiều, đặc biệt là các HB lớn, nhưng cùng với đó cạnh tranh cũng gay gắt hơn vì trong trường có nhiều người giỏi. Tuy nhiên với các HB mức trung bình thì kể cả ở trường “xịn” đi nữa thì người ta cũng chỉ lấy 1-3 người thôi nên nếu bạn ở các trường kém nổi tiếng hơn đôi chút hóa ra lại dễ thở hơn.

Dựa trên cách thức nộp đơn, chúng ta lại chia tiếp các HB thành 2 loại:

1. Học bổng nộp thông qua trường ĐH (大学推薦)

Loại này chiếm đa số, khoảng 80% các học bổng.
Về nguyên tắc, bạn sẽ nộp hồ sơ tới phòng quản lý học bổng của trường (奨学課), tùy từng trường sẽ tổ chức xét tuyển nội bộ theo cách riêng để chọn ra một số lượng nhỏ sinh viên tiến cử lên Quỹ HB, sau đó Quỹ HB sẽ tự xét lần cuối, có thể gọi ứng viên lên để phỏng vấn, rồi đưa ra quyết định cuối cùng

Cần nhớ rằng mỗi Quỹ học bổng chỉ lập quan hệ với một số trường ĐH nhất định thôi, và chỉ có sinh viên các trường đó mới được phép nộp đơn xin học bổng ấy.

Thêm nữa, ở một số trường thì phòng quản lý học bổng tùy từng năm sẽ phân bổ chỉ tiêu học bổng của từng Quỹ xuống một vài khoa nhất định mà thôi (Ví dụ năm nay học bổng của Quỹ A phân xuống cho Khoa X và học bổng của Quỹ B phân cho Khoa Y thì sang năm sau Khoa X sẽ nhận học bổng Quỹ B còn Khoa Y lại nhận học bổng Quỹ A). Như vậy, kể cả nếu bạn nhìn thấy trong 募集要項của Quỹ HB có ghi tên trường mình thì cũng chưa chắc bạn đã có thể nộp xin HB đó. Cách duy nhất để có thể chắc chắn là xem thông báo ở khoa của bạn và họ có ghi rõ rằng sinh viên trong khoa có quyền nộp đơn xin HB này.

Một điều nữa cần lưu ý là vòng nộp hồ sơ cho trường sẽ sớm hơn 1 khoảng thời gian so với hạn cuối mà Quỹ HB công bố, điều này bạn cũng cần xác nhận rõ ràng thông qua thông báo của trường/khoa để tránh việc nộp hồ sơ chậm thời hạn.
Một ví dụ về HB loại này: Học bổng Nikki-Saneyoshi Loại 1 (日揮・実吉第1種)
http://hocbongnhatban.wordpress.com/2012/04/05/10mtc1n-nikki-saneyoshi-loại-1-日揮・実吉第1種-2012-ths-ts/

2. Học bổng nộp trực tiếp cho quỹ (直接応募)

Loại học bổng này bạn không cần thông qua trường mà nộp thẳng hồ sơ của mình qua đường bưu điện tới Quỹ HB.
Tuy rằng không nộp qua trường nhưng bạn vẫn cần xin thư tiến cử (推薦状) của giáo sư hướng dẫn hoặc trưởng khoa, hiệu trưởng.

Số các học bổng nộp trực tiếp thường không nhiều và mức độ cạnh tranh thường khá cao. Tùy HB mà người ta có thể tổ chức làm nhiều vòng, có khi có cả bài kiểm tra để xét tuyển.
Một ví dụ về HB loại này: Học bổng Ito (伊藤)
http://www.itofound.or.jp/home/foreign/tabid/74/Default.aspx

Cách phân loại thứ 2 có thể dựa trên mức học bổng:

Mức 1: 19-20man/tháng
Gần tương đương với du học sinh quốc phí, đảm bảo cho bạn có thể chi trả tiền học phí ở một trường tư và sống khá yên tâm mà không phải đi làm thêm. Tuy nhiên số lượng học bổng loại 1 khá ít ỏi, mỗi học bổng chỉ tuyển số lượng ít, và cạnh tranh rất gay gắt.
Ví dụ: Học bổng Kamenori (かめのり)
http://www.kamenori.jp/pdf/daigaku/daigaku_2012boshu.pdf

Mức 2: 15-18man/tháng
Ở mức này sẽ rất thoải mái nếu bạn học ở một trường công, vì được miễn giảm sẵn một phần học phí từ trước. Vẫn có thể sống ổn mà không phải đi làm thêm. Cơ hội dành các học bổng này lớn hơn một chút nhưng vẫn rất khó, tập trung chủ yếu cho sinh viên các trường lớn.
Ví dụ: Học bổng Lotte (ロッテ)
http://www.lotte-isf.or.jp/scholarship.html

Mức 3: 10-12man/tháng
Với mức giá cả ở Tokyo thì coi như bạn có đủ tiền sinh hoạt phí, còn lại sẽ phải bỏ một chút thời gian đi làm thêm để trang trải học phí, thường khoảng 15-20h/tuần là đủ cho học phí một trường tư, nếu trường công thì 10-15h/tuần. Số lượng các học bổng này tương đối nhiều, nếu nỗ lực và cộng với một chút may mắn thì chắc ai cũng đều có cơ hội.
Ví dụ: Học bổng Sagawa (佐川)
http://www.sagawa-ryugakusei.or.jp/renewal/about/boshu.pdf

Mức 4: 5-8man/tháng
Mức này thì lại tương đương với học phí bạn phải đóng. Bạn sẽ phải đi làm thêm để có đủ tiền sinh hoạt phí cho mình.
Ví dụ: Học bổng Asia Students Scholarship (アジア留学生)
http://www.assf.or.jp/business/recritment.html

Mức 5: Dưới 5man/tháng
Mang tính chất hỗ trợ để bạn có thể bớt chút giờ làm hàng tuần để dành cho việc học, tuy ít nhưng trong thực tế cũng rất có ý nghĩa.
Ví dụ: Học bổng Nakamura [Sekizen] (中村積善)
http://www.ic.nanzan-u.ac.jp/GAKUSEI/shogakuannai/2012nakamura.pdf

Trên đây là hệ thống chung về các loại học bổng để du học tại Nhật Bản. Hy vọng các bạn có thể nắm được nội dung này, chủ động tìm hiểu các học bổng mà mình có thể nộp đơn và chuẩn bị thật sớm.

Chúc các bạn may mắn!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Scroll to Top